​Xi măng Tân Thắng – Kết tinh của công nghệ và trí tuệ nội lực

Nằm tại ví trí khá đắc địa thuộc vùng Nam Thanh - Bắc Nghệ, nơi tọa lạc những dãy núi đá vôi chất lượng, là nguồn nguyên liệu tốt cho sản xuất xi măng, nhà máy xi măng Tân Thắng đã vươn mình như một điểm sáng của ngành công nghiệp sản xuất xi măng miền Trung, một loại vật liệu xây dựng quan trọng, bánh mì của nền kinh tế.

Vượt qua thách thức để có thành tựu
Vượt qua những khó khăn trong quá trình đầu tư xây dựng, nhà máy xi măng Tân Thắng đi vào sản xuất đúng dịp đại dịch Covid-19 đang diễn ra phức tạp; song với đội ngũ cán bộ nhân viên là những chuyên gia, kỹ sư hàng đầu trong ngành xi măng và các công nhân được đào tạo chuyên sâu; cùng với hệ thống dây chuyền thiết bị công nghệ hiện đại là những yếu tố then chốt giúp Xi măng Tân Thắng nhanh chóng khẳng định được vị thế của mình trên thị trường khu vực miền Trung và cả nước…
 
 
Nhà máy Xi măng Tân Thắng được đầu tư xây dựng trên diện tích 60 ha tại xã Tân Thắng, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An với vốn đầu tư hơn 5.000 tỷ đồng theo phê duyệt của Chính phủ về quy hoạch phát triển ngành công nghiệp xi măng Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 và định hướng đến năm 2030. Dây chuyền nhà máy có công suất 5.000 tấn clinker/ngày, tương đương 2 triệu tấn xi măng/năm với các sản phẩm xi măng chất lượng cao, ổn định; ngoài tuân thủ tiêu chuẩn, quy chuẩn của Việt Nam (TCVN) còn đáp ứng tốt tiêu chuẩn ASTM của Mỹ và tiêu chuẩn EN của châu Âu.

Với sứ mệnh “Tạo khác biệt - Dựng niềm tin”, Xi măng Tân Thắng đưa ra thị trường các chủng loại sản phẩm đa dạng, chất lượng cao, ổn định… là nền tảng cho những công trình, xây dựng cơ sở hạ tầng, khu đô thị, các công trình dân dụng và công nghiệp.

Đón đầu công nghệ để phát triển bền vững
Ngay khi đầu tư, Ban lãnh đạo Xi măng Tân Thắng đã chủ động đón đầu xu hướng “Cách mạng Công nghiệp 4.0” bằng việc áp dụng mô hình quản trị tối ưu và trang bị các thiết bị, công nghệ hiện đại của các Hãng công nghệ xi măng hàng đầu thế giới như: Hệ thống cấp nguyên nhiên liệu của Bedeschi (Italia); lò nung hai bệ của FLSmidth (Đan Mạch); nghiền xi của Loesche (Đức); đóng bao của Haver & Boecker (Đức); hệ thống điện của ABB (Thụy Sĩ)…

Với định hướng giảm phát thải, tiến tới nền sản xuất Net Zero, nhà máy Xi măng Tân Thắng luôn duy trì “Ống khói không có khói” bởi toàn bộ dây chuyền sản xuất đều được đặt trong một hệ thống khép kín, bụi phát sinh được xử lý qua hệ thống lọc bụi túi kết hợp với lọc bụi tĩnh điện, các thiết bị giám sát, quan trắc môi trường. Nồng độ bụi đầu ra luôn nhỏ hơn 30 mg/Nm³, khu vực nghiền xi nhỏ hơn 20mg/Nm³ - thấp hơn từ 3 - 5 lần so với quy định hiện hành của Nhà nước là 100mg/Nm³, đảm bảo khi nhà máy đi vào sản xuất với cường độ cao thì môi trường vẫn đảm bảo an toàn.
 
 
Không chỉ vậy, việc đảm bảo môi trường trong nhà máy còn đến từ khả năng giảm tiêu thụ điện năng. Với hệ thống điện tự động hóa ở mức độ cao, điều khiển tập trung để kiểm soát đồng bộ toàn bộ hoạt động của nhà máy giúp chỉ tiêu tiêu hao điện dưới 95 kw/tấn xi măng, tiêu hao nhiệt dưới 730 kcal/kg clinker - Đây là các chỉ tiêu tiêu hao mức thấp trong ngành xi măng hiện nay.

Bên cạnh đó, cuối năm 2023, nhà máy đã triển khai xây dựng Hệ thống phát điện tận dụng nhiệt khí thải để phát điện, góp phần tạo ra nguồn năng lượng sạch, cắt giảm sự phát thải khí hiệu ứng nhà kính, tăng cường ứng phó với biến đổi khí hậu. Dự án có công suất phát NET bảo hành 8.035kW tương đương 20 - 25% lượng điện tiêu thụ của nhà máy.

Đồng thời, từ khi đi vào vận hành sản xuất, Ban lãnh đạo Công ty CP xi măng Tân Thắng đã kiên trì áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ. Thời gian qua, sử dụng các kết quả của đề tài nghiên cứu khoa học trong nước, nhà máy cũng thành công trong việc sử dụng một số loại phụ gia hỗ trợ cho việc đốt than và dầu. Các ứng dụng giúp đốt cháy triệt để các nhiên liệu phẩm cấp thấp như than nhiệt trị thấp và dầu nặng, mà không những không làm ảnh hưởng đến hoạt động của lò và chất lượng clinker, mà còn làm hệ thống hoạt động trơn tru, hiệu quả hơn.

Với phụ gia trợ cháy cho than, nhà máy đã chuyển đổi thành công từ phương án đốt than cám 4a sang phương án đốt than cám 5a kèm 32% muội than (là sản phẩm của quá trình nhiệt phân lốp cao su phế thải). Việc này đã giúp giảm được chi phí nhiên liệu xấp xỉ 170 tỷ đồng/năm. Đồng thời, việc sử dụng chất trợ cháy cho dầu FO cũng giúp tiết giảm được 50% chi phí nhiên liệu cho sấy lò, với giá trị quy đổi thành tiền  là 1,8 tỷ VNĐ chi phí cho sấy lò/năm.
 
 
Sản phẩm đa dạng, chất lượng chinh phục nội địa và vươn tầm quốc tế
Với nguồn nguyên liệu dồi dào, trữ lượng lớn, chất lượng cao; đội ngũ những chuyên gia, kỹ sư kinh nghiệm, quản lý kỹ thuật chất lượng; cùng hệ thống quản lý chất lượng, phòng thí nghiệm hiện đại, kiểm soát chất lượng nghiêm ngặt, ổn định và dây chuyền tự động hóa cao, Xi măng Tân Thắng đáp ứng tốt nhu cầu của khách hàng bằng các sản phẩm chất lượng vượt trội, ổn định, bao gồm: Clinker CPC50 chất lượng cao, các sản phẩm xi măng phục vụ xây dựng công nghiệp và dân dụng như xi măng PC50, xi măng PCB50, xi măng PCB40, đáp ứng tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN), Mỹ (ASTM), Châu Âu (EN) và các loại xi măng khác theo yêu cầu của khách hàng.

Ngoài ra Xi măng Tân Thắng là một trong số ít các nhà máy xi măng tại Việt Nam có thể sản xuất xi măng bền sulfate với ưu điểm rút ngắn thời gian thi công và khả năng chống lại sự ăn mòn. Đây là loại xi măng chuyên sử dụng trong các công trình công nghệ cao, môi trường khắc nghiệt, như: công trình dưới biển, hải đảo, khu vực ngập mặn hay nhiệt điện và công trình thoát nước đô thị, công trình ở các vị trí chiến lược về Quốc phòng an ninh… đòi hỏi đặc thù về thời gian đóng rắn, độ mịn, tỏa nhiệt thấp và chụi ăn mòn bởi môi trường xâm thực mặn…

Phát huy những lợi thế, Xi măng Tân Thắng đã từng bước tiếp cận, chinh phục thị trường trong và ngoài nước khi liên tục xuất khẩu những đơn hàng lớn tới các thị trường khó tính nhất như Mỹ, Úc… và nhận được sự hài lòng, đánh giá cao từ phía các đối tác, khách hàng.

Hiện tại, Xi măng Tân Thắng đã và đang nghiên cứu và ứng dụng những tiến bộ khoa học - công nghệ trong sản xuất, đẩy mạnh đầu tư cho tối ưu hóa và quản trị hệ thống để hạ giá thành sản phẩm, tăng tính cạnh tranh, nâng cao chất lượng dịch vụ; tập trung phát triển thị trường nội địa, trong đó chú trọng gia tăng thị phần tại thị trường khu vực miền Trung và phát triển thị trường miền Nam. Và trên hết, với trí tuệ và kinh nghiệm con người hiện có và luôn nỗ lực học hỏi vươn lên, xi măng Tân Thắng tự tin khẳng định giá trị của mình trên thị trường trong và người nước.
Nguồn: PV